Home > Tài liệu > THÍCH GIÁO LƯỢC KHẢO BÀI THUYẾT PHÁP của Ngài Tiếp Pháp Trương văn Tràng

THÍCH GIÁO LƯỢC KHẢO
BÀI THUYẾT PHÁP của Ngài Tiếp Pháp Trương văn Tràng
tại Thiền Lâm Tự Tây Ninh,
(Vía Phật Đản Ngày 14-4 Giáp Thìn / 25-5-1964)

Kính thưa quý vị Hòa Thượng,

Kính thưa quý vị Thượng Tọa,

Kính thưa quý vị Đại Đức,

Và chư vị Tăng Ni Phật Tử,

Thưa quý Ngài,

Chúng tôi lấy làm vinh hạnh được thay mặt HỘI THÁNH Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Toà Thánh Tây Ninh, đến dự Lễ Phật Đản hôm nay và chúng tôi cũng thành thật cám ơn Ban Tổ chức dành cho một ít thì giờ để trình bày sơ lược Phật Pháp.

Vả lại, Giáo Lý Cao Đài qui nguyên Tam Giáo, Hiệp Nhứt Ngũ Chi thành một học thuyết Đại đồng.

Thưa quý Ngài,

Mặc dầu vậy, nhưng sở học của chúng tôi rất nông cạn. Nay đem chỗ nông cạn trình bày trước các nhà Đại đức Chơn tu thì chẳng khác nào múa búa trước cửa Lỗ Ban. Xin quý Ngài lượng thứ cho những điều sơ sót.

Theo lẽ thường muốn giải bày một Giáo pháp nào, trước hết người ta thuật sơ lược Tiểu sử của vị Giáo chủ, nhiên hậu sẽ nói đến Giáo pháp. Nhưng trong một bài thuyết pháp như hôm nay, chúng ta không thể nào giảng diễn đầy đủ chi tiết Giáo Lý nhà Phật. Ấy vậy, nên chúng tôi xin tóm lược như sau :

TIỂU SỬ CỦA THÁI TỬ SIDDHARTA

Đức Thích Ca Mâu Ni Phật, trước là một vị Hoàng Tử tên là Siddharta; chữ Siddharta nghĩa là vạn sự như ý.

Lên 17 tuổi, Thái Tử thành hôn với Công chúa Yosadhara, Cả hai ở trong Hoàng thành sống cuộc đời giàu sang tột đỉnh, sự vui chơi không thiếu một thứ gì, nào là cung tần mỹ nữ, yến diên linh đình. Thật là nếp sống vương giả, dẫy đầy hoan lạc. Các nhà Sử gia cho đó là thời kỳ Ngũ dục cu lạc, tức cả năm dục căn đều đươc thỏa mãn.

Và đó cũng là đọan đời sống hướng ngoại, để kinh nghiệm sự vật tự nhiên ở ngoại giới.

XUẤT GIA

Mặc dầu, sống trên nhung lụa vàng son, nhưng Thái Tử không được vui lắm. Phải chăng, vì cái Tiên phong, Phật cốt đã ẩn tàng trong Tâm linh sâu kín, khiến cho lòng cứu thế âm thầm thúc giục mà những thú vui phàm trần kia không thể nào xóa nhòa được.

Sau khi tứ môn xuất du, Ngài trông thấy những cảnh đau khổ của chúng sanh như : Già, bịnh, chết làm cho lòng xuất gia tu hành bộc khởi.

Rồi đến một đêm kia, Ngài cùng với người đây tớ trung tín tên là Xa Nặc, vượt khỏi Hoàng thành, đi tầm Chơn Lý trong chốn thâm sơn, cùng cốc.

Thầy trò đi đến một cụm rừng kia, Ngài giao ngựa và ngọc ngà châu báu của vị Hoàng Tử cho tên Xa Nặc mang về, giao trả cho Vua cha, còn Ngài bắt đầu đi tầm Đạo. Lúc bấy giờ Hoàng Tử Siddharta nghiễm nhiên là một Thầy Sa môn đại hùng, đại lực, đại từ bi.

Sách chép rằng trong khi xuất gia tầm Đạo Ngài đi đây, đi đó rất nhiều, tìm đến các nhà Tu sĩ trứ danh thời bấy giờ để luận đạo, rốt cuộc Ngài cho Đạo của mấy vị ấy chưa đi đến cứu cánh giải thoát, Ngài bèn vào rừng Khổ Hạnh cùng với 5 vị đệ tử tu hành.

Than ôi ! Sáu năm trường, tu khổ hạnh trong rừng sâu, Ngài không dám ăn no bụng, đêm chẳng dám ngủ thẳng giấc và luôn luôn thi hành pháp môn khổ hạnh : có khi thì đứng một chưn ngoài trời nắng, có lúc thì ngồi kiết già suốt đêm dưới gốc cây mãi đến thân thể còn da bọc xương, tinh thần rất suy yếu, có lần Ngài phải ngất xỉu, nhờ có năm vị đệ tử giải cứu.

Thật tinh thần quá suy nhược, thân thể quá tiều tụy mà chánh đạo chưa tầm được.

Có lẽ Ngài tự nghĩ rằng : Phép tu quá khổ khắc nầy không đem lại kết quả. Ngài bèn từ bỏ khổ hạnh lâm, đi đến bờ sông Ni liên, tắm rửa sạch sẽ, trong người mát mẻ và cảm thấy khoan khoái, rồi có hai nàng con gái chăn trâu đem dâng sữa và mật. Ăn uống xong, Ngài cảm thấy sức khoẻ, tinh thần hồi phục và sắc đẹp lần lần tươi tỉnh lại như xưa.

Từ đây, Ngài quyết không khổ khắc Nhục thân như truớc, song chẳng phải hườn tục mà quyết theo đường Trung đạo để tìm Chơn lý. Trung đạo là gì? Không quá khắc khổ, mà cũng chẳng phóng túng, tức không thái quá, không bất cập, gọi là Trung đạo.

THÀNH ĐẠO

Ngài đến gốc cây Bồ Đề ngồi thiền định và nguyện rằng : Ngày nào chưa thành đạo thì không rời khỏi chỗ nầy. Lời đại thệ nguyện nầy giúp Ngài đủ nghị lực thắng phục Ma vương và đến quá nửa đêm thì Đại ngộ Chơn thánh giác.

Phổ Diệu Kinh chép rằng : Trong khi ngồi lặng dưới gốc cây Bồ Đề, Bồ Tát trải qua 4 bậc thiền định là :

-Ý đã thanh tịnh, vị chi nhứt thiền.

-Tỉnh nhiên thủ nhứt chuyên tâm bất diệt, vị chi nhị thiền.

-Lòng đã bình tĩnh, thấy rõ Chơn tướng mọi sự vật, vị chi tam thiền.

-Tâm không y thiện, không phụ ác, không khổ, không vui, bình thản như không, tịch nhiên bất biến, vị chi tứ thiền.

Đó là Đạo vô vi cứu thế.

Ngài còn hồi ức các việc kiếp trước như : Từ hiếu, nhân nghĩa, lễ tín, đã từng trung chánh thủ thân, hư tâm học Thánh. Là sáu bậc vô cực nhu:

  1. Bố thí
  2. Trì giới
  3. Nhẫn nhục
  4. Tinh tấn trí huệ
  5. Làm những việc từ bi hỉ xả.
  6. Tùy thời phổ hóa quần linh,

Thật công phu ấy không uổng vậy.

Theo sách Phạn ngữ lúc bấy giờ.

  • Bồ Tát thông tỏ các việc kiếp trước.
  • Trừ khử các Ác căn trong lòng.
  • Lý hồi Thập nhị nhơn duyên là cái lưới giam hãm chúng sanh trong vòng sanh tử.
  • Phát minh Tứ Diệu Đề là phép mầu giải khổ.

Tóm lại đời sống của Thích Ca Mâu Ni Phật chia ra ba giai đoạn :

a)- 29 năm sống với một cuộc đời Vương giả là thời kỳ Ngũ dục cu lạc, lại cũng là thời kỳ hướng ngoại tìm hiểu lẽ tự nhiên của sự vật bên ngoài Vũ trụ.

b)- Sáu năm khổ hạnh trong rừng sâu là thời kỳ hướng về Nội giới để tìm hiểu lẽ huyền nhiệm của Tâm linh siêu nhiên.

c)- Bốn mươi lăm năm truyền giáo phổ hóa quần sanh đến 80 tuổi thì viên tịch vào Niết Bàn là cảnh an nhàn cực lạc.

GIÁO LÝ

Thuyết pháp lần đầu tiên, Phật nói Tứ-Diệu-Đề là : Khổ đề, Tập đề, Diệt đề và Đạo đề.

1- Khổ đề : Chúng sanh trong vòng sanh tử thì khổ triền miên, nhưng tóm lại mà nói thì có Bát khổ:

  • Sanh khổ
  • Lão khổ
  • Bịnh khổ.
  • Tử khổ.
  • Cái gì không ưa mà phải hợp là khổ.
  • Cái gì ưa mà phải lìa xa là khổ.
  • Cái gì muốn mà không được là khổ.
  • Cái gì không muốn mà phải gần gũi là khổ.

Tóm lại chúng sanh sống triền miên trong ngũ trược là khổ.

2- Tập đề : Nguyên nhơn của sự khổ là tham sống, tham sướng, tham giàu, vì tham mà phải Luân hồi. Tại sao? Bởi vì trong lúc tham sống cho Nhục thân, ngược lại, Nhục thân bị chết thì cái lòng tham sống ấy giục thúc người ta phải lo tạo một Nhục thân khác, để sống cho vừa lòng tham.

Thế nên nói rằng : Tham sống là một hột giống sanh kiếp Luân hồi. Hoặc nói rằng có tham thì có sân, có sân thì có si. Tham, sân, si, cũng là nguyên sanh kiếp Luân hồi.

3- Diệt đề : Muốn hết khổ thì phải tiệt diệt tất cả lòng tham dục, khiến cho Tâm thanh tịnh vô vi thì tự nhiên thấy Phật Tánh.

4-Đạo đề :

Đạo diệt khổ tức Bát Chánh Đạo :

  1. Chánh kiến : Trông thấy ngay thẳng
  2. Chánh tư Duy : suy nghĩ ngay thẳng.
  3. Chánh ngữ Nói năng ngay thẳng.
  4. Chánh nghiệp : Làm việc ngay thẳng.
  5. Chánh mạng : Mưu sanh ngay thẳng.
  6. chánh tinh tấn : Mong thiến ngay thẳng.
  7. Chánh niệm : Tưởng nhớ ngay thẳng.
  8. Chánh định : Ngẫm nghĩ ngay thẳng.

Tham sống nhưng không phải tự diệt. Trái lại phải di dưỡng nhục thân với những phép vệ sanh, cần có sức khỏe để học tập cho đến viên mãn công đức.

Trong Bát Chánh Đạo có hai Pháp môn quan trọng hơn hếtlà: Chánh kiến và Chánh định.

Chánh kiến nghĩa là trông thấy ngay thẳng tức Tri kiến Phật. Mà muốn được tri kiến Phật phải thực hành Chánh định cho đến viên mãn.

Vả lại, sự vật ở đời không có thực thể. Chúng nó do nhơn duyên hiệp mà sanh, mãi đến khi Nhơn duyên tan thì tử. Sách Phật gọi đó là ảo hóa và đó cũng là cái yếu lý: Vô thường, vô ngã của nhà Phật.

Ấy vậy nên kẻ hành giả phải dám nhìn thẳng vào sự thật của sự vật, tìm kiếm cái chơn tướng của nó; chớ chẳng khá nhận lầm cái ảo hóa. Sách Phật cho rằng nhận cái ảo hóa là Chơn tướng của sự vật là cái nhận thức của chúng sanh, và nếu theo cái ảo hóa mà hành động thì gây ra nhơn quả: Mà nhơn quả là nguyên nhơn sanh kiếp Luân hồi.

Thế nên kẻ không học phải vượt qua những ảo hóa của sự vật, tìm đến chơn tướng của nó, biết được như thế gọi là Giác. Trái lại thì là mê, mà Giác là Phật, Mê là chúng sanh.

VÔ THƯỜNG VÔ NGÃ

Chúng tôi xin trích lục một chuyện Vua Di-lan-da (Mémandra) hỏi Na-Tiên như sau, để minh chứng thuyết Vô thường vô ngã.

-Bạch Thượng Tọa: Tên Ngài là gì?

-Người ta gọi Bần Tăng là Na-Tiên, Cha mẹ đặt tên như vậy.

-Na-Tiên là ai ? Đầu cổ, thân thể, tứ chi có phải Na-Tiên chăng ?

-Tâu Kim Thượng : Không phải.

-Khổ, vui, thiện ác, nhan sắc, có phải Na Tiên không ?

-Tâu Kim Thượng : Không phải.

-Vậy Na-Tiên là gì?

-Na-Tiên bèn hỏi lại nhà Vua :

-Nay có người gọi chiếc xe, chiếc xe là gì?

-Gọng, cốt, bánh, vành, thùng có phải xe chăng ?

-Không phải.

-Những tiếng khua động, im lặng có phải chăng?

-Không phải.

Tâu Kim Thương :

– Người ta hiệp các vật liệu lại thành một vật mà người ta gọi là chiếc xe, cũng như đầu, cổ, thân thể, tứ chi, hơi thở, tiếng nói hiệp thành một người, một cá thể mà thôi. Kỳ thật tên chiếc xe, hay tên Na-Tiên đều là danh từ trống rỗng. Vì thế nên nói rằng : Sự vật ở đời là vô thường vô ngã.

Thế mà chúng sanh vì mê lầm ngộ nhận những ảo hóa ấy là chơn tướng rồi theo đó mà hành động. Sự hành động nầy càng nhiều thì nó càng nhận chìm mình vào trong luật nhơn quả, luân hồi, sanh tử, tử sanh không biết đâu là bờ bến. Đó là nguyên nhơn thất chơn Đạo trầm khổ hải.

Đức Thích Ca Mâu Ni Phật tuyên bố rằng : “Ngài tìm bịnh của chúng sanh để cho thuốc” mà thôi, chớ không bàn luận việc xa xôi.

BỊNH CHÚNG SANH LÀ GÌ ?

Bịnh ấy là luân hồi sanh tử, mà nguyên nhơn sanh kiếp luân hồi là Thập nhị nhơn duyên kể như sau :

  1. Vô minh
  2. Hành
  3. Thức
  4. Danh sắc
  5. Lục nhập
  6. Xúc
  7. Thụ
  8. Ái
  9. Thủ
  10. Hữu
  11. Sinh
  12. Lão, Tử.

Kể xuôi thì như thế, nếu lật ngược lại mà nói : Từ lão, tử đến Vô Minh, mặc dầu nói xuôi, hay kể ngược, chúng  ta cũng thấy cái Đại nhơn duyên sanh kiếp Luân hồi là Vô minh.

Nay muốn khám phá tuyệt trừ nghiệp Vô Minh thì phải dùng phép Chánh kiến, nghĩa là trông thấy ngay chánh, mạng danh là Tri-Kiến-Phật, cũng như chúng ta dùng cái sáng để trị cái tối. Sáng càng thêm thì tối càng bớt, mãi đến hoàn toàn sáng thì hết tối, cho nên nói rằng :

“ Mê là Chúng sanh, giác là Phật”.

Có điều nên nhớ là tuy nói tuyệt trừ hết nghiệp Vô Minh thì ngộ giác, nhưng Vô minh là một nhơn duyên trong số 12 nhơn duyên; ấy vậy nên muốn tuyệt trừ Vô minh thì phải ý hội cả 12 nhơn duyên cũng như dùng Chánh kiến để trừ Vô minh nhưng cũng phải ý hội cả Bát Chánh Đạo thì mới thông đạt cái Đại lý của Vô minh.

Đại để Phật pháp là thế, nhưng Đức Thích Ca thường hay tùy khả năng của kẻ học, mà giảng để khai thị cho họ, thành thử, trong 45 năm truyền giáo, Ngài để lại không biết bao nhiêu giáo pháp; vì mỗi câu của Phật nói, về sau người ta giảng diễn thành một Pháp môn tu tập. Nhơn đó mà Phật pháp trở nên minh mông bao la như rừng, như biển.

TÓM LUẬN

Nay Đức Thượng Đế Qui nguyên Tam Giáo, Hiệp nhứt Ngũ Chi thành một nền Tân tôn giáo, mạng danh là “Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ”. Ấy vậy, nên trong học lý Cao Đài Đại Đạo, Phật Giáo chiếm một phần quan trọng trong phép tu tâm dưỡng tánh siêu nhiên.

Sở dĩ chúng tôi cùng hai chữ “siêu nhiên” vì Phật Pháp vốn cao xa huyền nhiệm. Muốn thể hiện giáo pháp nầy chúng ta phải vượt lên trên những ảo hóa của sự vật bên ngoài Vũ trụ, cũng như những ảo hóa của tâm lý bên trong nội giới.

Kẻ hành giả phải thể hiện kỳ được cái tâm hư vô tịch diệt thì mới có thể khám phá và tuyệt trừ được nghiệp Vô minh như : Ngã tướng, Pháp tướng chẳng hạn, Tâm linh được thanh tịnh vô vi thì Tâm linh trong sáng. Mà hễ Tâm linh trong sáng thì mới thấy tánh bản nhiên Trời phú cho người (Minh tâm Kiến tánh).

Vả lại, tánh Bản nhiên ấy là ngưồn Thiên lý, là mạng Trời ngự trị nơi người, và là con đường chánh đạo đưa người trở về với Thái Cực Thánh Hoàng, cho nên kẻ hành giả giác ngộ được tánh ấy thì có thể hòa mình với các động lực nguyên thỉ của Vũ trụ, sanh sống bình đẳng với muôn loài vạn vật, bởi vì vạn vật dữ ngã đồng thể và họ có thể cảm thông với Đức Thượng Đế mà biết được cái nguyên lý hóa dục muôn loài vạn vật.

Có người nói Tam Giáo mỗi mỗi đều có Giáo pháp riêng qui điều giới luật riêng, vậy làm thế nào mà qui nguyên hiệp nhứt?

Chúng tôi xin lược giải như sau, âu cũng là một dịp cởi mở những điều thắc mắc.

Nguyên Tam giáo Đạo nào cũng lấy Tâm tánh làm căn bản cho sự tu học. Mà muốn thâm nhập vào Tâm tánh thì phải dùng Vô vi Pháp. Đại để như :

Nho Giáo dạy rằng : “Vô-tư-giả, vô-vi-giả, tịch-nhiên bất động cảm nhi toại thông Thiên hạ chi cố ”.( Không nghĩ, không làm, im lặng, không động, đến lúc cảm thì suốt thông mọi lẽ trong Thiên hạ).

Sách Luận Ngữ nói rằng : Đức Khổng Phu Tử có 4 cái vô : Vô ý, vô tất, vô cố, vô ngã. Cũng có nhiều chỗ nói rằng : vô ngã, vô dục.

Đạo Giáo nói rõ hơn, chính Đức Lão Tử là vị Giáo chủ sống một cuộc đời ẩn dật. Đó đủ minh chứng vô vi pháp thực hành.

Đạo Đức Kinh có câu : Vi-vô-vi, sự-vô-sự, vị-vô-vị. Lại nói : Thánh nhơn vô công, vô kỷ, vô danh.

Phật Giáo Đức Thích Ca bỏ Hoàng cung vào tu khổ hạnh trong rừng sâu. Ấy là thực hành Đạo vô vi.

Bát nhã Tâm kinh có câu : Vô sắc, vô không, vô ngã, vô thường, vô pháp, vô tranh, vô định, vô tướng vân vân .

Tóm lại: Tam Giáo đều dạy Vô vi pháp để giải thoát khỏi cái thân ô trược, hẹp hòi. Đó là chỗ mà Tam Giáo đồng nhứt lý.

Cổ Nhơn nói rằng : “Đồng nhứt trong cái sai biệt”.

Đời Tống bên xứ Trung Hoa, các nhà Nho thường bảo nhau rằng : Vào ra cửa Phật cửa Lão trước, rồi sau sẽ tham khảo Kinh truyện (xuất nhập Phật, Lão phản cầu lục Kinh).

Còn ở Việt Nam thì từ Đinh, Lê, Lý, Trần đều lấy Tam Giáo qui nguyên, làm nền tảng quốc học; còn ở ngoài nhơn dân thì người ta thờ cúng Tổ Tiên, tụng kinh Phật và tin tưởng luật nhơn quả Luân hồi.

Thế thì sự Tam Giáo qui nguyên đã có từ ngàn xưa, nhưng ngày nay Đức THƯỢNG ĐẾ lấy đó làm Giáo lý của ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ thì Tam Giáo lại thêm một phần linh động thâm trầm sâu kín và nhờ Đức tin ấy đôn đốc chúng ta phải thể hiện Tâm pháp nầy với một tư cách thành tâm thiện chí.

Thử hỏi tại sao Đức THƯỢNG ĐẾ không biệt lập một Giáo Lý lại qui nguyên Tam Giáo hiệp nhứt Ngũ chi?

Vả lại, Tam Giáo Ngũ Chi đã phổ truyền trong nhơn loại, nay Đức THƯỢNG ĐẾ qui nguyên Tam Giáo, hiệp nhứt Ngũ Chi, là cố ý thức tỉnh mọi người nhớ lại rằng : Tôn giáo hiện hữu, tuy có khác nhau về hình thưc, về danh từ. Nhưng bên trong thì Tôn giáo nào cũng có thờ một Đấng Cao cả, tượng trưng Đấng Chúa tể Càn Khôn thống trị vạn vật.

Và đó cũng một cách bày tỏ cho Nhơn loại hiểu rằng cả loài người tuy khác nhau về màu da, sắc tóc, tiếng nói, song tựu trung cả loài người đều là con cái của Đấng Tạo Hóa.

Thiết tưởng cả loài người nhìn nhau là có một Cha thì cái lẽ tương thân, tương ái sẽ thực hiện. Thiên Hạ thái bình là lời cầu nguyện hằng ngày của người Tín Đồ Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.

Nay kính,

Tiếp Pháp Trương văn Tràng

(Trích Quyển Giáo-Lý do Ban Thế Đạo Hải Ngoại tái bản tại Hoa Kỳ năm Canh Thin-2002, trang 218 đến trang 228)